Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Trận đánh cuối của vị Tướng già


Đại Tướng đã hoàn thành trận đánh cuối cùng trong cuộc đời mình một cách vẻ vang! Một trận đánh đặc biệt mà vị Đại Tướng già đã thực hiện ở tuổi 103. Một trận đánh mà Người đã sử dụng một vũ khí thiêng liêng và duy nhất trong đời binh nghiệp. Thứ vũ khí đó là sinh mạng của chính mình. Kể từ lúc 18h09 ngày 04/10/2013, tin tức về sự ra đi của Người đã làm rúng động cả nước Nam và bạn bè ở khắp năm châu. Từng giờ, từng ngày, trên từng phương tiện thông tin truyền thống lẫn hiện đại, cái năng lực vô hình của vị Đại Tướng già cứ âm thầm nhưng mãnh liệt lan tỏa từ người này qua người khác, từ người trẻ đến người già, từ nơi này đến nơi kia, từ đồng bằng lên miền núi, từ miền Bắc vào miền Nam, từ trong nước ra nước ngoài.

Và thật kỳ lạ, giữa cuộc sống mà dường như nhiều người vẫn còn đang quay quắt với những lo toan, những mưu cầu vật chất, tiện nghi của cuộc sống hiện đại để đôi khi sống vô cảm, bế tắc, thì vị Đại Tướng già, với năng lực vô hình của cả đời mình, đã nhẹ nhàng đánh thức từng hạt giống của tình yêu đất nước, yêu đồng bào, đồng chí, của sự vị tha, bác ái và bình đẳng. Trong tâm thức của hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu người Việt Nam, những đua tranh, hơn thua, sang hèn … thường ngày dường như đang nhường chỗ cho sự nhường nhịn, sẻ chia, thân ái, cho sự tôn trọng, sự thành kính và thiêng liêng.

Lúc vị Đại Tướng già nằm xuống cũng là lúc một tượng đài vĩ đại được xây dựng một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng trong 103 năm, được dựng lên. Sự thiêng liêng và vĩ đại của tượng đài này vẫn sẽ tiếp tục lan tỏa âm vang trận đánh cuối cùng của Người. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục đánh thức những hạt giống về lối sống của một bậc anh hùng, một bậc hiền nhân, quân tử, nhân ái, vị tha trong tâm hồn người Việt cho mãi muôn đời…

Muôn lời đều chẳng đủ …

09/10/2013

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Thiên thần ẩn mình

Thiên thần ẩn mình


Như mọi lần trên con đường quen thuộc, chiếc Giấc Mơ, đã gắn bó với bản thân đã tới gần 6 năm, tà tà chạy dưới trời mưa tối để đưa tôi về nhà. Vốn mắt bị cận, phải đeo kính, cộng với đèn pha của các xe đi ngược chiều khiến tầm nhìn thật hạn chế, chỉ quan sát được một khoảng cách rất ngắn. Đoạn này đang không có nhiều người đi cùng chiều trên đường nên tôi ung dung di dưới trời mưa mà cảm nhận cái không khí khá mát mẻ. Bất chợt trong ánh đèn pha của các xe ngược chiều tôi nhận thấy bóng dáng một ông cụ đang đi ngang qua đường, dù có vẻ như cụ đang đứng yên chờ xe tôi đi qua. Do tầm nhìn hạn chế nên khoảng cách đã gần quá rồi, không thể kịp giảm tốc độ và vòng xe tránh qua một bên nữa. Việc duy nhất có thể làm lúc đó, hay cũng có thể là phản xạ tự nhiên, là tôi nghiêng xe hết mức có thể sang bên trái tạo đà cho tay lái xe lệch sang một bên. Có vẻ như tay cầm và gương vừa chớm quệt qua bụng ông cụ. Sau đó là … Rầm… Xoẹt … Xoẹt … Xoẹt … Người và xe trượt dài trên mặt đường.

Mất một lúc, tôi mới gỡ người ra được khỏi xe và ngoái lại nhìn. Ông cụ vẫn đang đứng đó, có vẻ như cũng hơi hoảng đôi chút nhưng đúng là chưa bị làm sao. Tôi cảm giác như vừa trút được một gánh lo nếu chiếc xe lao thẳng vào phía công cụ. Một vài thanh niên ra hỏi han và giúp đưa xe vào dọc đường, có tiếng vài người mời vào ngồi nghỉ ngay trong một quán ăn bình dân. Tôi chẫm rãi cảm nhận và kiểm tra một vài chỗ ê ẩm trên thân thể, có vài chỗ bị trầy xước và bị cứa …. Anh chủ quán ăn bình dân cầm ở đâu ra một chai nước màu nâu, chắc là thuốc xoa bóp và nói có thể thử dùng thứ này. Tôi nhẹ nhàng nói lời cảm ơn chân thành và nói chắc không sao nhưng đang nghĩ trời còn đang mưa ướt, bẩn thế này, có lẽ phải dùng đến một ít thuốc rửa và bông băng cho an tâm.

Sau ít phút nghỉ ngơi và đợi mưa ngớt bớt, tôi cảm ơn chủ quán lần nữa và ra chiếc Giấc Mơ đã bị sứt mẻ đôi chút để di tiếp với dự định tìm một hiệu thuốc để xử lý mấy chỗ bị trầy xước. Tập tễnh bước vào một hiệu thuốc ven đường, nhìn thấy bóng mấy áo trắng tôi có chút yên tâm. Có người ví von những người mặc áo blu trắng như nhưng thiên thần với sứ mệnh xoa bớt những khổ đau, bệnh tật của con người. Mấy cô nhân viên ở đây dù không phải áo blu, nhưng cũng đều màu trắng cả. Sau khi hỏi mua mấy loại nước thuốc, bông băng để tự xử mấy vết trầy xước, tôi đã mong mấy cô nhân viên có thể xem qua và có thể hướng dẫn thêm để tôi tự xử cho nó đúng với những gì các thiên thần áo trắng hay làm. Dù sao có chuyên môn vẫn hơn mà. Nhưng không biết có phải vì sự ngăn cách của cái tủ quầy thuốc không mà mấy thiên thần chỉ đưa thuốc trên mặt tủ, và khi tôi hỏi thì mới hướng dẫn thêm đôi chút dù cũng có vẻ nhanh nhẹn, sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào. Sau đó để mặc tôi lúi húi “tác nghiệp” với mấy lọ thuốc nước, bông băng. Tôi tự nhủ, hình như những thiên thần áo trắng này chỉ có nhiệm vụ bán thuốc thôi, không thể làm như mình muốn được. Cuối cùng thì tôi cũng “tác nghiệp” xong, trả tiền thuốc, cảm ơn cô bán thuốc và có vẻ yên tâm tập tễnh ra chiếc Giấc Mơ để về nhà.

Khi đã ở nhà yên tĩnh nghỉ ngơi, tôi chợt nhớ lại và suy nghĩ. Anh chủ quán cơm trông chất phác thật thà, tôi chỉ vào nghỉ chân nhờ, không có ý định ăn cơm, nhưng khi thấy một người có vẻ bị đau, anh tự động mang thuốc xoa bóp ra mà mời tôi dùng tự nhiên nếu thấy cần. Còn những thiên thần áo trắng ở hiệu thuốc kia hình như chỉ khép mình trong việc bán thuốc và không có hành động tự nhiên như của anh chủ quán nọ. Tôi chợt nhận ra một điều thú vị. Anh chủ quán cơm không khoác áo thiên thần nhưng anh có hành động như của một thiên thần áo trắng khi luôn muốn người bị đau bớt đau. Trong cuộc sống này, nếu để ý đôi chút, ta sẽ thấy những thiên thần ẩn mình, không khoác áo thiên thần, nhưng vẫn lặng lẽ làm những việc của thiên thần một cách bình dị. Mà đúng thế thật, mấy anh thanh niên ra dựng giúp xe, rồi tiếng vài người ở quán cơm động viên, “không sao đâu…,” “Chỉ bị nhẹ thôi …”.

Tôi lại nhận ra một điều thú vị nữa. Đất nước này có bao nhiêu con người như thế. Họ là những con, những cháu của dòng dõi tiên là mẹ Âu Cơ mà! Và như vậy, thiên thần ẩn mình có thể rất gần …


09/08/2013

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

Xuân, Hạ, Thu, rồi lại Đông

Tết năm nay nghỉ dài nhưng vẫn phải trở lại thành phố sớm, lại ngồi viết lách vài dòng. Vậy là cũng đón Tết xong, một vài việc cần làm đã làm nhưng một vài dự định nho nhỏ cũng chưa thể hoàn thành. Một năm nữa lại đến. Một mùa xuân nữa đang bắt đầu. Thời gian thì cứ lẵng lẽ trôi đi. Sẽ đến lúc xuân chuyển sang hạ, sang thu rồi lại sang đông. Nhiên giới cứ đổi thay theo cái vòng xuân, hạ, thu, đông. Và lòng người cũng vậy, cũng thay đổi, đổi thay.

 Ngồi nhìn lại nội tâm mình, sao chợt thấy cũng xuân, hạ, thu, đông. Đôi lúc, cảm thấy tâm hồn thật tươi mới, rộn ràng như mùa xuân; khi thì lại khô khan, cháy bỏng như  cái nắng mùa hè; thảng hoặc có những lúc lại yên ả như một góc trời thu; và có đôi khi lại lạnh lẽo, trơ trọi như cái tiết trời đông. Có khác chăng, là cái thế giới nội tâm mình nó chẳng theo trật tự xuân, hạ, thu, đông mà nó cứ  vừa tất nhiên, vừa ngẫu nhiên và cũng không diễn ra theo năm mà theo tháng, theo ngày, theo giờ, theo phút.

Nhiên giới thì như thế, tâm giới thì như vậy và xen lẫn vào đó là nhiều câu hỏi còn để ngỏ chưa có câu trả lời....



Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

99 Năm - Một Đời Người



99 NĂM - MỘT ĐỜI NGƯỜI
Cháu sẽ nhớ mãi cái thời khắc ấy. Những giây phút ở bên cạnh Ông khi Ông từ giã cõi đời...
 Vậy là Ông Nội đã sống trọn vẹn quãng đời từ thủa chăn trâu, cắt cỏ; lớn lên; lập gia đình; ủng hộ cách mạng; nuôi con, chăm cháu khi còn trẻ; tự lo cho mình khi về già; và thanh thản trút những hơi thở cuối cùng khi thân xác dần tan hoại để trở về với cát bụi.

 Ông là hình ảnh một người nông dân chân chất, yêu lao động, sống đơn giản, bình dị nơi thôn quê. Dáng người Ông thì nhỏ nhắn, thấp bé, vậy mà cả đời Ông chẳng nề hà việc gì, dành hết phần vất vả về mình để cho vợ con bớt những nhọc nhằn. Khoảng thời gian ngắn thời niên thiếu phải đi ở cho người Pháp tại Hà Thành dường như cũng đủ làm cho Ông nhận ra chỉ có cái chữ, chỉ có kiến thức mới làm con người biết sống tốt hơn. Ông gắng học chữ và cũng luôn động viên con cái gắng học hành dù trong hoàn cảnh gia đình, đất nước còn nhiều gian khó. Một con người nhỏ bé, giản dị như vậy nhưng lại quyết nín lặng khi bị treo trên xà nhà dưới những đòn roi của giặc để giữ bí mật cho người cán bộ cách mạng từng nuôi giấu trong nhà. 

  Khi con cái đều đã trưởng thành, lập gia thất, rồi sinh sống xa quê, Ông lại lặn lội từ trong Nam đến ngoài Bắc để giúp con cháu việc nhà. Lúc về già, sống ở thôn quê, thậm chí cho đến khi Bà Nội mất, Ông vẫn luôn trồng cấy, chăn nuôi, nấu nướng để tự phục vụ mình cho đến những năm cuối đời.  Ở những tuổi 90, Ông vẫn giữ  quan niệm sống tự lo cho mình, mà cũng kì lạ sao, tuổi ông đã cao mà tai mắt vẫn tinh tường để đọc báo, viết thư cho con cái, để sâu kim may vá quần áo... Khi tuổi đã cao, đầu gối bị đau, chân đi không đều, ông lại dành cho mình việc trông cửa trông nhà cho con cháu.  Chỉ những tháng gần đây Ông mới để mẹ cháu nấu cơm, giặt giũ giúp. Khi còn đi lại dễ dàng, mỗi lần con cháu ở xa về thăm nhà và đi, Ông đều ra ngõ đón để con cháu trước khi đi gặp may mắn. Mỗi dịp thắp hương trước bàn thờ gia tiên, ông luôn cầu khấn Trời Phật, tổ tiên phù hộ cho con cháu học hành, làm ăn thuận lợi.



 
 
 Ảnh Ông Nội và chắt nội mấy tháng trước khi mất. 


 Như đốm lửa đã đến lúc tàn, vài tuần trở lại đây sức ông yếu đi trông thấy, con cháu ở xa lại về thăm Ông. Rồi ông lại khỏe lại, con cháu họ hàng lại hy vọng đến Tết này sẽ tổ chức cho Ông một lễ Đại Thọ. Ông cũng muốn thế cho vui nên cũng luôn cố gắng ăn uống điều độ và luôn móm mém bảo: Giời cho sống được thì sống. Các cô chú trong nhà lại trở vào nam mà không biết rằng đó là lần cuối cùng được gặp Ông khi còn sống. Tối thứ tư tuần trước, mẹ gọi điện báo, Ông lại yếu đi trông thấy từ chiều. Cũng thật may cháu quyết định về để bên Ông trong đêm cuối cùng. Ông đã không nói được nữa, chỉ nằm mê mệt. Giữa đêm khuya, vài lần Ông mở mắt nhìn khi cảm nhận bàn tay cháu đang nắm tay Ông. Sáng hôm sau, khi vào giường thăm Ông thì Ông đã mệt lắm, chỉ còn nằm thở một cách khó khăn. Mọi người biết Ông khó qua khỏi lần này, chỉ mong Ông đợi cho con cháu ở xa về để gặp Ông lần cuối. Nhưng rồi, 12h30 ngày 20 tháng 12 năm 2012, sau những hơi thở chậm và yếu dần. Ông đã đã lặng lẽ ra đi. Ông nằm đó, lặng yên sau khi bỏ lại những đau nhức, những bất an của một tấm thân, đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển chở thần thức Ông suốt 99 năm, đang đến lúc tan hoại. Cuộc đời Ông thấm đẫm bao vất vả, nhọc nhằn nhưng cũng đầy ắp tình thương của con cháu. Suốt bao nhiêu năm tuổi già, Ông sống lặng lẽ ở nơi thôn quê nhưng như một chiếc neo để con cháu tại quê nhà cho đến ở phương xa hướng về. 


  Giờ Ông đi rồi chẳng biết rồi sau sẽ ra sao...?


 Cháu là kẻ tài hèn đức mọn, chưa làm được điều gì đáng nói để đáp lại tấm lòng của Ông với con cháu. Đôi lúc ngồi nhớ đến Ông mà nước mắt lăn dài. Noi gương Ông luôn khấn Trời Phật, tổ tiên phù hộ cho con cháu, cháu cũng nguyện cầu Trời Phật, tổ tiên gia hộ cho Ông ở thế giới bên kia luôn được bình thản và an lành!


 Cháu nội của Ông,
26/12/2012





Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Đường Sinh Đạo


 
Photo:  Hệ mặt trời.
Vào lúc 10 giờ 20 phút, tại thủ đô Hà Nội, ở Việt Nam, trên trái đất, trong hệ mặt trời, thuộc ngân hà Mikyway, giữa vũ trụ vật chất bao la chưa tìm thấy điểm cuối cùng… , tôi, thế hệ thứ N của dòng dõi con rồng cháu tiên quyết định đưa ra một kết luận không có gì mới mẻ là:
 “Con người sau khi sinh ra thì sẽ đi dần đến tuổi già.” Ấy là nói bóng, nói gió chứ thực ra là đi đến cái chết, thậm chí một số người chưa kịp già cũng đã chết rồi”. Cho đến thời điểm như  trên, nhân loại thuộc nền văn minh khi trái đất được 4,54 tỉ năm tuổi chưa có ai bất tử.

  Nguyên do là, tôi tự nhận thấy mình cũng chả còn trẻ nữa. Hôm nọ, lúc đang ngắm mình trong gương tự nhiên lại thấy có sợi tóc hơi bạc báo hiệu là tuổi già sắp đến rồi. Lại nhân lúc có chút thời gian rảnh rỗi, và vốn thi thoảng hay dành cho mình ít phút ngồi trầm ngâm, suy ngẫm nên tôi tự  tổng hợp kiến thức, thông tin để nhìn nhận lại cuộc đời một con người. Bằng bộ não chuẩn bị già kết hợp với cái máy tính để bàn Pentum 4 không biết sản xuất năm nào,  có kết nối internet, tôi tự  chia một cuộc đời qua 7 giai đoạn với hình ảnh và những lời hay ý đẹp mà tôi yêu thích. Và khi nào thấy hình ảnh nào đẹp, lời nào hay, tôi lại sẽ cập nhật lại.

Đường Sinh Đạo
1. Thời ấu thơ:
Photo: Cho tôi lại ngày nào… Cho tôi lại chiều hè… Cho tôi lại nhà trường… Cho đi lại từ  đầu. Chưa đi vội về sau

- “Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh tốt.
Hiếu cảm đến trời thì mưa gió hoà thuận.
Hiếu cảm đến đất thì muôn vật hoá sinh.
Hiếu cảm đến người thì phúc đức đua nhau mà đến”. – Nho giáo (Tăng Sâm)


2. Thử  thách
-  “Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông.
Sống ở trên đời người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công.” -  Hồ Chí Minh
 - “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” – Lão Tử


3.  Tình yêu
- “… khi tìm thấy một tâm hồn đồng điệu trong thế giới bất toàn này, tôi nghe trái tim mình sai nhịp…” – S/T

4. Sức mạnh
 - “Tận cùng của võ là văn” S/T
- ” Kẻ tiểu nhân rạch ròi việc lợi,
Người quân tử rành rẽ điều nghĩa!
Kẻ làm việc ác phúc chẳng còn,
Người làm điều thiện họa đã xa!” – Nho giáo


 5.  Thành công

- “Hãy gõ, rồi cửa sẽ mở. Hãy tìm rồi sẽ gặp”- Thánh Kinh

6. Hạnh phúc
Photo: Ảnh gia đình Hà Nội xưa
Photo: Ảnh phụ nữ Hà Nội xưa

- “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”



7. Tuổi già
 

- “…Việc đời trước mắt qua mau
 Tuổi già chợt đến trên đầu thế a!
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.” – Cáo Tật Thị Chúng – TS. Mãn Giác

Làm bạn với tách cafe

Đường tâm đạo

Những năm tháng của tuổi trẻ dần trôi đi, vui vẻ lạc quan cũng có, nhiều thăng trầm, gian nan cũng qua, tôi tự nhận thấy cuộc đời như một hành trình, mà mỗi chuyến đi đều cho ta những bài học về cuộc sống. Ngoài đời sống thể chất, đời sống của sự hiểu biết kiến thức, tôi nhận ra còn có đời sống thuộc về tâm giới. Thế giới của tâm với những khổ – vui, bất an – bình thản, yêu – ghét … đã ngày đêm tác động tới cái thân vật lý, rồi ảnh hưởng ra cả cuộc sống tự nhiên cùng những quan hệ xã hội bên ngoài. Tây Phương đã có triết học, với những triết gia, đời sống thiên về tư duy logic toán học rạch rồi, tư duy vỏ não để phát triển tri thức, khoa học, công nghệ. Đông Phương, không có triết học, chỉ có đạo học với những nhà hiền triết, bậc đạo sư, đời sống thiên về tư duy trực giác tổng hợp, tư duy bằng tâm để sống hài hòa với nhiên giới, vạn vật. Ngày nay thì kỹ thuật, công nghệ phát triển mạnh mẽ lan tràn từ tây sang đông, từ đông sang tây với sự hào nhoáng, tiện nghi đầy cuốn hút nhưng cũng chứa đựng bên trong đầy rẫy bất ổn.  Nhìn lại vào đời sống của chính mình, ngoài phải ăn uống đầy đủ cho thể chất khỏe mạnh, rồi học hỏi, tích lũy tri thức để sống cho hợp với xu thế của xã hội, tôi tự tìm hiểu và chọn cho mình một đời sống tâm giới theo các bậc tiền nhân.



Đường Tâm Đạo
 Thấy biết chân thực – toàn diện
Có thấy biết chân thực toàn diện mới có suy nghĩ đúng
Có suy nghĩ đúng mới có lời nói chân chính
Có lời nói chân chính mới có hành động đúng
Có hành động đúng mới có đời sống chân chính
Có đời sống chân chính mới có nỗ lực đúng
Có lỗ lực đúng mới có ý thức chân thực, ghi nhận đúng đắn
Có ghi nhận đúng mới có sự bình thản, trầm tĩnh trước mọi sóng gió của cuộc đời.


1. Thấy biết chân thực – toàn diện



“Ở đâu có sự thấy, biết đúng như thật, ở đó có chân lý” (S/T)

2. Suy nghĩ đúng


Soi lại nơi mình là bổn phận, không từ nơi người mà được”- Trần Quốc Tung – nhà Trần (1230 – 1291)


3. Nói lời chân chính


“ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”- Tục Ngữ

 “Dù nói ngàn lời vô ích, không bằng nói một lời đúng”- (Pháp Cú)

4. Hành động đúng


“Hại mình, hại người là ác
Lợi mình, lợi người là thiện
Xu hướng thiện là hướng thượng”


5. Việc làm chân chính


“Có làm thì mới có ăn
 Không dưng ai dễ đem phần đến cho” – (Ca dao)


6. Nỗ lực chân chính




“Ví như nước chảy mãi, đá cũng phải mòn” – (S/T)


7. Chú tâm, ghi nhận đúng


“Không hạnh phúc nào có thể so sánh với sự yên tĩnh trong tâm hồn”

8. Bình thản, trầm tĩnh


“Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành” – TS. Vạn Hạnh


Làm bạn với trà