Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Việt Nam - Một đất nước con người như thế


Với một diện tích lãnh thổ khiêm nhường nằm ở khu vực Đông Nam của lục địa Á châu, có thể nói rằng với nhiều công dân trên hành tinh này, Việt Nam dường như vẫn là một cái tên lạ lẫm, không có ấn tượng gì đáng kể. Điều này thì cũng hợp lẽ khi trong nhiều thập kỷ, thế kỷ gần đây cả thế giới bước vào những cuộc đua tranh về kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ… và sự quan tâm ở phạm vi toàn cầu luôn dành cho những quốc gia, vùng lãnh thổ đi đầu trong những lĩnh vực này. Như một lẽ tự nhiên, những cuộc đua tranh sẽ dẫn đến những sự thay đổi, mà đôi khi được gọi là “phát  triển”, “tăng trưởng” và ngược lại trong một số trường hợp được gọi là “suy thoái”, “khủng hoảng”, “bất ổn”. Trong hoàn cảnh này, khoảng hai thập kỷ gần đây, Việt Nam lại nổi lên là một đất nước ổn định, hòa bình, thân thiện và nhận được sự quan tâm nhiều hơn của bạn bè quốc tế. Hình ảnh hòa bình, thân thiện này có được đơn thuần từ hoàn cảnh hiện tại, từ những lý do hiện hữu hay do cả những yếu tố sâu xa?

Với chính sách mở cửa phát triển kinh tế, trong đó có ngành du lịch, ngày càng có nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành du lịch đều khẳng định nơi đây có nhiều tiềm năng với ba nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch là: Nguồn lực tự nhiên, nguồn lực lịch sử và nguồn lực văn hóa. Và ở đây, người viết, trong khả năng hiểu biết hạn hẹp của mình xin đưa ra một sự so sánh để những ai quan tâm, dù là đến du lịch hay chỉ đơn thuần tìm hiểu, có thể có cái nhìn rõ nét hơn về đất nước Việt Nam.

Sự ưu ái của thiên nhiên
Phải thừa nhận rằng Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng từ biển, sông ngòi, đồng bằng, cao nguyên, núi rừng. Dù với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp, một vài địa điểm được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, động Phong Nha Kẻ Bàng, động Sơn Đoòng, Sapa (Ngọn Fanxipan – Nóc nhà Đông Dương)… thì với cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tổ chức các hoạt động du lịch còn thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ chất lượng thấp hoặc chưa cao, môi trường đang bị ô nhiễm, ý thức người dân còn kém v.v. thì lợi thế về thiên nhiên chưa phải là thế mạnh thực sự. Nhất là khi so sánh với nhiều nước thậm chí có điều kiện tự nhiên thuận lợi vừa phải nhưng cơ sở hạ tầng tốt, tổ chức chuyên nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tin cậy, môi sinh sạch sẽ… như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Canada… thì lợi thế về điều kiện tự nhiên càng chưa phải là thế mạnh thực sự (Trừ khi khách du lịch không quá khó tính và thông cảm với du lịch Việt Nam).  Duy có một điểm là lợi thế tự nhiên thực sự mà không một quốc gia nào trên thế giới có được đó tại thủ đô Hà Nội và khu vực lân cận, các ngọn núi đều chầu về trung tâm và các con sông thì giao hòa, tụ lại nơi khu vực thủ đô. Năm 1010 chính vị vua anh minh Lý Thái Tổ đã nhìn ra địa thế long chầu hổ phục, nơi hội tụ khí thiêng sông núi theo phong thủy. Ngài đã chọn nơi đây làm đất dựng kinh đô mới với bản chiếu dời đô đi vào lịch sử. Sự kiện này mở ra triều đại Lý - Trần rực rỡ huy hoàng mà năm 2010 cả nước Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Di tích Đoan Môn, Điện Kính Thiên
"Các ngọn núi chầu về Hà Nội"
"Các con sông giao hòa tại Hà Nội"

Dòng lịch sử đầy bi tráng
Có lẽ ít người trên thế giới, kể cả ở Việt Nam, biết rằng trong truyền thuyết lịch sử (được ghi chép cả ở Việt Nam và Trung Hoa) thì cho rằng: Nguyên Đế Minh là cháu ba đời của vua Viên Đế - Thần Nông (vị vua có khả năng đặc biệt, trực giác nhạy bén có thể biết được đặc tính của cây cối và dạy cho dân biết trồng trọt, chữa bệnh bằng cây thuốc) cai trị cả một vùng lãnh thổ rộng lớn gồm toàn bộ Trung Hoa đến phía Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay của Việt Nam. Vua Đế Minh sinh được người con cả là Đế Nghi. Trong một dịp đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (Hồ Nam, Trung Quốc) đã gặp và rồi lấy con gái bà Vũ Tiên, một lãnh chúa ở khu vực này, sau đó sinh được một người con trai tư chất thông minh, siêu việt, đạo đức đặt tên là Lộc Tục. Theo lẽ thường thì vua sẽ truyền ngôi cho con cả là Đế Nghi, nhưng người con thứ quá đức độ, tài giỏi (học được những năng lực phi thường của cha và mẹ truyền lại) nên vua định truyền ngôi người con thứ. Những cũng bởi đức độ cao vời, người con thứ đã từ chối ngôi vua mà xin vua cha truyền ngôi cho anh cả, người em đã muốn nhường ngôi cho anh. Vua Đế Minh càng cảm mến người con thứ và cuối cùng quyết định chia đất nước làm hai nửa gần bằng nhau, Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương (hiện ở Bắc Ninh, giáp Hà Nội, vẫn còn đền thờ Kinh Dương Vương). Lãnh thổ của các tộc người Việt thủa đó rộng lớn mênh mông từ Động Đình Hồ vùng Đông Bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay, trải xuống các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của Việt Nam ngày nay, gần bằng lãnh thổ của người anh là Đế Nghi. Kinh Dương Vương làm vua vào quãng nǎm Nhâm Tuất (2879 trước công nguyên) sau đó lấy con gái Thần Long (là người có những năng lực phi thường của loài rồng, sống ở vùng sông nước) là lãnh chúa khu vực hồ Động Đình, sinh được một con trai đặt tên là Sùng Lãm. Sùng Lãm cũng được cha mẹ truyền dạy nhiều quyền năng đặc biệt, phi thường để nối ngôi vua xưng là Lạc Long Quân. Về sau trong một dịp đi tuần về phương Nam, Lạc Long Quân đã gặp Âu Cơ, một nữ lãnh chúa tại khu vực Bắc Ninh, Hà Nội ngày nay, là người xinh đẹp như tiên, cốt cách thanh cao với những quyền năng phi thường (Như trên đã đề cập về vị trí đặc biệt của khu vực Hà Nội, nơi sông núi giao hòa, thì hơn 4,000 trước nơi đây hoàn toàn có thể là một vùng đất tiên cảnh, và việc xuất hiện người có vẻ đẹp như tiên, có năng lực phi thường cũng là điều có tính lôgic.). Trước vẻ đẹp, sự duyên dáng, phúc hậu, vững vàng, bản lĩnh của Âu Cơ, Lạc Long Quân - vốn cũng là một vị vua tài năng, trí tuệ, tướng mạo phi thường, thần thông quảng đại hơn người với dòng máu của rồng – đã hoàn toàn bị siêu lòng, nể phục. Vì Âu Cơ là một lãnh chúa có cá tính mạnh, một phần theo chế độ mẫu hệ, nên sau khi kết hôn không chịu về kinh đô cùng Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đã quyết định sống tại vùng đất thần tiên này để lại phần lớn lãnh thổ đất nước cho người anh em sang quy nhập dần về nước Trung Hoa. Với tuổi thọ khá lâu, tới vài trăm năm, hai người đã có với nhau tới khoảng 100 người con. Dòng máu Tiên Rồng từ đây lan tỏa mãi hình thành nên dòng giống Việt Nam cho đến ngày nay. Sống với nhau thời gian dài, chăm sóc dạy dỗ con cái trưởng thành, hai người đôi lúc cũng có những mâu thuẫn (thực tế là cha Lạc Long Quân ở phương Bắc theo chế độ phụ hệ, mẹ Âu Cơ theo chế độ mẫu hệ nên đôi lúc hai người có quan điểm khác nhau về một số việc; và mẹ Âu Cơ thích sống vân du trên núi cao, cha Lạc Long Quân là dòng giống rồng thích sống gần sông nước, ao hồ nên khi về già hai người muốn sống theo sở thích của mình) và những người con có cùng sở thích với mẹ thì ở khu vực trên núi, những người con có sở thích, năng lực giống với cha thì xuống sống ở vùng đồng bằng. Khoảng 50 người con theo Lạc Long Quân xuống khu vực đồng bằng xây dựng phát triển kinh tế, tổ chức xã hội, dân số đông đúc dần và hình thành nhà nước rõ rệt đầu tiên của Việt Nam do các vua Hùng xây dựng và truyền ngôi suốt 18 đời. Ngày nay, vết tích kinh đô của các triều đại vua Hùng còn lại tại Phú Thọ với khu di tích đền Hùng mà hàng năm hàng triệu người Việt Nam về để dự lễ giỗ Tổ vào ngày 10-03. Đời vua Hùng thứ 18 không có con trai, người con rể là Sơn Thánh cũng không màng ngôi vua nên đã đề nghị nhường quyền cai quản đất nước cho Thục Phán An Dương Vương (là đời vua cuối cùng từ dòng dõi các con theo mẹ Âu Cơ). An Dương Vươmg đã thề giữ gìn đất nước trước vua Hùng mà nay còn lại vết tích cột đá thề tại đền Hùng. Suốt thời Hùng Vương, dưới tài đức, võ nghệ, khả năng phi thường của các đời vua truyền lại, đất nước sống trong hòa bình, thịnh trị với đỉnh cao là nền văn hóa Đông Sơn của nền văn minh Sông Hồng. 


Các hoa văn trống đồng
 Cuối đời An Dương Vương, đất nước đã bị Triệu Đà từ phương Bắc xuống xâm lược và Việt Nam rơi vào thời kỳ Bắc thuộc kéo dài gần 1,000 năm bắt đầu từ năm 207 T.CN. Trong suốt gần 1000 năm Bắc thuộc, lác đác vẫn sáng lên những cuộc khởi nghĩa của nhiều anh hùng dân tộc mà  trận chiến tài trí, lịch sử trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền - đập tan quân Nam Hán – đã chấm dứt gần 1000 năm Bắc. Khoảng thời gian sau đó đánh dấu bởi triều đại Lý - Trần huy hoàng từ 1009-1400 với Chiếu Dời Đô lên Thăng Long năm 1010 của đức vua Lý Thái Tổ. Vào thời Trần, vó ngựa quân Nguyên Mông bất khả chiến bại tại Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Trung Đông và Đông Âu đã phải dừng bước 3 lần tại Việt Nam và dừng bước tại Triều Tiên mà quân đội Triều Tiên có sự góp sức của hậu duệ của triều Lý là Lý Long Tường (Lee Yong Sang) sang tị nạn chính trị tại đây.
 Những thế kỉ tiếp theo, Việt Nam bị rơi vào giai đoạn truân chuyên khổ ải của một số cuộc nội chiến và các cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, Pháp, phát xít Nhật, Mỹ với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, chống Mỹ gần đây.


Tượng đài Trần Hưng Đạo
Bức ảnh cô gái dân quân kéo xác máy bay Mỹ tên: "Sự trừng phạt thích đáng"

Những di tích, tàn tích, phế tích lịch sử
Với những trang sử hào hùng trải dài suốt hơn 4,000 năm kiên cường bất khuất như vậy, nhưng do bị nạn ngoại xâm đe dọa thường xuyên nên nhiều công trình gắn với những giai thoại lịch sử lớn bị những đội quân xâm lược tàn phá, hoặc không thể duy tu, bảo vệ. Ngân khố của một quốc gia bé cũng không dư dả để tập trung cho những công trình lớn. Người Việt dễ t thu nhận cái mới và cũng dễ quên quá khứ, nên nhiều chứng tích bị tàn phá, hủy hoại và lãng quên. Ngày nay, ngoài những chứng tích gắn với hai cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp, Mỹ gần đây vẫn còn nhiều điểm được duy tu, giữ gìn thì nhiều chứng tích của những giai thoại xa xưa chỉ còn lại là những khu đền thờ, những hiện vật mang tính biểu trưng. Ngoài ra, như một điểm gắn với lối sống của người Việt là yêu chuộng hòa bình, khi trải qua quá nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh người Việt cũng không muốn lưu giữ những vết tích của khổ đau mà chỉ muốn lưu giữ những chứng tích đủ để nhắc nhở hậu thế về chiến tranh và sự tàn khốc của nó mang lại.  

Vết tích Hoàng Thành Thăng Long)


Những thông điệp từ ngàn xưa – Vẻ trầm tĩnh lịch sử
Điều gì đã kéo dài lịch sử dân tộc Việt suốt hơn 4,000 năm qua khi những chứng tích lịch sử của nhiều giai đoạn hầu như không còn vết tích? Điều gì làm nên một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hữu hảo, ổn định? Hay tại sao suốt gần 1,000 năm bị Trung Quốc tìm cách đồng hóa văn hóa, người Việt vẫn giữ được nét đặc trưng của riêng mình? Phải chăng, việc Kinh Dương Vương không tham vọng quyền lực, định nhường ngôi cho anh; dòng màu tiên rồng huyền thoại Lạc Long Quân – Âu Cơ; tấm lòng hiếu đạo của hoàng tử Lang Liêu với vua Hùng thứ 6 trong tích Bánh Chưng Bánh Giày; chuyện Sơn Thánh sau chiến thắng oai hùng, cam go với Thủy Tinh để cưới công chúa đã từ chối ngôi vua của đời Hùng Vương cuối cùng thứ 18 để nhường ngôi cho An Dương Vương; Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hai người nữ anh hùng đã đứng lên khởi nghĩa non (do chồng của Trưng Trắc là Thi Sách, người chỉ huy cuộc chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa với mục tiêu không những đánh tan quân Hán và còn giữ vũng đất nước lâu dài, đã bị đầu độc chết) vẫn dánh tan đội quân của tướng Tô Định, nhà Hán dù sau đó 3 năm đã bị nhà Hán xâm lược trở lại, Hai Bà Trưng đã nhảy xuống sông tự vẫn; tư tưởng của vua Lý Thái Tổ, một vị vua xuất thân là một người được nuôi dạy trong chùa hay vua Trần Nhân Tông sau khi đánh tan quân Nguyên Mông đã bỏ ngai vàng lên núi đi tu đắc đạo rồi quay lại giáo hóa nhân dân để dựng nên Triều Lý Trần thịnh trị, huy hoàng; vua Quang Trung bản lĩnh, trí tuệ, khí phách kiên cường không một lần thua trận trong bảy năm nắm ngôi vua; cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh – một tấm lòng luôn khát khao độc lập tự do cho dân tộc… đã không chỉ còn nằm trên con chữ khô khan, hay những vết tích mờ nhạt của lịch sử mà đã trở thành những thông điệp, những quan điểm, tinh thần của dân tộc. Trong những lần đối đầu với quân xâm lược, dân tộc Việt luôn ở trong thế nhỏ đối đầu với lớn, ít đối với nhiều, thô sơ đối phó với tối tân, hiện đại… Chính thông điệp không tham vọng quyền lực, không chạy theo hưởng thụ cá nhân và hy sinh hết mình cho đại cục, cho đất nước của nhiều bậc tiền nhân đã tạo nên sự trầm tĩnh cho người Việt bình tâm, sáng suốt, quên mình, bất khuất kiên cường trong các cuộc chiến không cân sức để bảo vệ non sông.  Những thông điệp này đã đi vào đời sống, thành văn hóa sống nằm trong sâu thẳm tâm linh mỗi người Việt Nam.
 

Ngôi nhà cổ 87, phố Mã Mây, Hà Nội
Vẻ đẹp của thiếu nữ Hà Nội


Kiểu tóc của người Hà Nội xưa

 "Áo bà ba" áo truyền thống của phụ nữ nam bộ

Văn hóa Việt Nam và sự càn quét của văn minh vật chất
 Hơn 4,000 năm sống trên mảnh đất mà điều kiện tự nhiên thiên về đời sống nông nghiệp, trồng trọt, người Việt đã dần hình thành nếp sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Khi phải trải qua nhiều đau thương, khổ ai của những cuộc chiến, những cuộc càn quét, người Việt cũng dần hình thành nên nếp sống nghĩa tình, chân thật, tương trợ lẫn nhau. Khi hai nữ tướng Trưng Nhị, Trưng Trắc đánh bại quân Hán; trận Bạch Đằng Giang đánh tan Nam Hán; Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy 3 cuộc chiến làm đế quốc Nguyên Mông phải thất trận; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc chiến thắng quân đội Pháp chấp dứt chủ nghĩa thuộc địa trên toàn thế giới, người Việt đã dần hình thành nếp sống dũng mãnh, đầy khát vọng và tính yêu quê hương đất nước. Và khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ trước Công Nguyên; Vua Lý Thái Tổ được nuôi nấng và dạy dỗ trong chùa đã cởi mở với Nho giáo đưa Khổng Từ vào thờ trong Văn Miếu Quốc Tử Giám; Vua Trần Nhân Tông sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc gia đã sớm bỏ ngôi vua lại cho con lên núi Yên Tử xuất gia tu hành đắc đạo sau đó quay lại giáo hóa muôn dân… người Việt đã dần hình thành nếp sống tâm linh với tư tưởng Tam giáo đồng nguyên Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo.
Tất cả đã dần hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc nằm ở lối sống hài hòa, hiền thiện, chân thật, nghĩa tình, hiểu biết, đầy dũng mãnh, khát vọng và cũng đầy tình yêu đất nước con người… Một đời sống tâm linh thanh bình và yên ổn. Một hồn sống Việt có được từ tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (Phật giáo,Nho giáo, Lão giáo) và cái tinh hoa bản sắc dân tộc nằm trong lễ hội dân gian (Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Gióng, Tết Nguyên Đán,  lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Yên Tử…), thơ ca (ca Trù, nhã nhạc Cung Đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh), thư pháp (tiếng Hán và tiếng Việt), nhiếp ảnh, hội họa (tranh Đông Hồ), các ngành nghề thủ công mỹ nghệ (mây tre đan, gốm sứ, điêu khắc, dệt lụa, thêu…), trang phục (áo dài, áo bà ba), ẩm thực (ẩm thực Hà Nội, ẩm thực Huế, ẩm thực Hội An, ẩm thực Tp. HCM) .v.v.

Bản sắc văn hóa Việt đang bị lu mờ, bị càn quét bởi văn minh vật chất
Nhờ những thành quả của khoa học kỹ thuật – nhất là từ Tây phương - văn minh vật chất ngày càng phát triển và đi cùng với nó là những thay đổi trong đời sống tinh thần. Trước những tiện nghi hào nhoáng và hiện đại, các xứ sở phương Đông dường như đang bị choáng ngợp, bị mê hoặc. Là một quốc gia còn nghèo nàn, đang phát triển, người dân Việt cũng đang trong xu thế đó. Mỗi người phải làm việc, phải dành thời gian ngày một nhiều hơn để tìm cầu những tiện nghi, vật dụng, công nghệ đang đổi mới không ngừng. Sự thay đổi này cuốn tất cả vào một nhịp sống ngày một sôi động, ồn ào, căng thẳng hơn. Trong khi đó - với sự hưởng thụ vật chất nhiều khi đến mức dư thừa, nhiều giá trị văn hóa tinh thần bị xem nhẹ - những xã hội phát triển đang nảy sinh những bất ổn trong lối sống của cộng đồng, những bệnh trạng nguy hiểm đến mức báo động v.v. Và trong hoàn cảnh sự hội nhập kinh tế, văn hóa, kỹ thuật diễn ra ở khắp mọi nơi, nếp sống văn hóa ngàn đời, những giá trị tinh thần thiêng liêng của dân tộc Việt đang bị lu mờ, lung lay trước làn sóng vật chất hóa, trước những ung độc của sự hội nhập với văn minh thế giới.

Tìm lại thông điệp của tiền nhân về lối sống hài hòa, bền vững
 Lịch sử và văn hóa việt cho thấy, nhiều bậc tiền nhân tài cao đức độ luôn công hiến tài trí của bản thân, quên mình vì đại cục khi thời chiến, không chạy theo tham vọng quyền lực hay sự hưởng thủ cá nhân, xâng dựng nếp sống hòa hữu, nghĩa tính, chân thật trong thời bình, sống hài hòa với thiên nhiên với cái hay cái đẹp do con người sáng tạo ra như trang phục, ẩm thực, các nghề mỹ nghệ thủ công… Đó phải chăng là những triết lý sống bền vững của lịch sử trong suốt hơn 4,000 năm mà đã làm nên nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, ổn định ngày nay?

Sự phát triển của văn minh vật chất là một xu thế tất yếu. Nét văn minh, lịch lãm của nhiều người Tây phương có trí và có đức làm nhiều người phương Đông tôn trọng là sự thật. Giá trị tinh thần, những thông điệp nằm trong văn hóa lịch sử ngàn đời của dân tộc cũng đã được minh chứng và ghi nhận. Trước thực tại rằng lịch sử đang bị lãng quên, văn hóa đang bị lu mờ bởi lối sống chạy theo vật chất hưởng thụ mà nhiều người Việt Nam đang máy móc học theo Tây Phương, người viết bài này vẫn có một niềm tin trong sâu thẳm tâm thức rằng, những người con với dòng máu Tiền Rồng sẽ sớm nhận ra để tìm cho mình một lối sống bền vững ổn định trong một thế giới đang giấy lên nhiều bất ổn, khổ đau của khủng hoảng, đói nghèo, bệnh tật, thiên tai, ô nhiễm môi trường... Và với những nghiên cứu, hiểu biết còn hạn hẹp về chính lịch sử và văn hóa dân tộc, người viết cũng xin đưa ra một thông điệp từ tiền nhân đó là: “Lối sống vừa đủ về vật chất, thân thiện với thiên nhiên, lành mạnh về thể chất cùng với một nội lực tinh thần dựa trên sự thâm hiểu những giá trị văn hóa cao đẹp và một nội tâm trầm tĩnh sáng suốt

Tháng 11, 2011