Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Nhớ Huyền Không!



      
   Nhân một chuyến thăm Huế dịp đầu năm, tôi may mắn đặt chân đến Huyền Không Sơn Thượng. Có mặt ở Huế vào lúc sáng sớm với cảm giác đầu tiên khi có mặt ở đây là nhịp sống khá bình lặng, không còn cái ồn ào, náo nhiệt của đất Hà Thành. Dù trong nhóm có người đến lần đầu tiên như tôi, có người đã vào Huế một số lần nhưng dường như cái cảm nhận về sự khác biệt nhịp sống đều hiện lên trên khuôn mặt của mọi người. Những tất bật lo toan đã bỏ lại phía sau và sẵn sàng cho một hành trình với những trải nghiệm mới.





Giống như nhiều du khách đến với nơi đây, sau những giờ nghỉ ngơi cho lại sức thì lịch trình ban đầu của nhóm cũng không thể thiếu những thánh tích nổi tiếng của đất cố đô. Xen giữa vẻ bình lặng của thành phố, đây đó vẫn có những sự thay đổi với những công trình, tòa nhà hiện đại. Đọng lại trong tôi khi viếng thăm Hoàng Thành là sự mênh mông, nguy nga của kinh đô một thời của vương triều nhà Nguyễn trong suốt 140 năm. Nhưng khi đi vào sâu hơn, ngắm nhìn mọi thứ kỹ hơn, trong lòng tôi lại dấy lên cảm giác bâng khuâng khó tả… Phần lớn các công trình chủ yếu được khôi phục lại, rất nhiều vết tích của kinh thành xưa kia nay chỉ còn lại là những đống đổ nát. Một số cung điện được phục dựng nhìn qua thì dường như đúng kiểu dáng, kiến trúc nhưng cũng có vẻ thiếu đi cái gì đó. Thiếu cái sức sống, cái tinh thần, cái khí thế của một triều đại ngự trị chăng? Rồi tôi tự trả lời. Bom đạn chiến tranh đã tàn phá, rồi thiếu sự tu bổ… Tất cả đều không thể tránh khỏi nhịp gõ của búa thời gian. Thời hoàng kim đã đã là quá khứ rồi, thế mới gọi là di tích.




Hôm sau, chúng tôi dạo quanh những dãy phố của Cố đô, thăm những con phố, cầu Tràng Tiền, rồi đến sông Hương. Quả thật sông Hương nên thơ và lãng mạn, giống như trong văn thơ tôi học thủa nhỏ. Dòng chảy uốn lượn mềm mại với những rừng cây thăm thẳm, xanh mướt phủ dọc hai bên bờ. Xa xa thấp thoáng những con thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên sông. Chúng tôi nghe kể lại là tên sông Hương bắt nguồn từ một loại cỏ thơm đặc biệt mọc hai bên bờ sông, cứ mỗi sáng sớm từng giọt nước thơm tiết ra ở đầu ngọn cỏ rơi xuống sông và làm nước sông có mùi thơm đặc biệt. Nay thì loại cỏ này gần như biến mất, thảng hoặc lắm mới có người trồng loại cỏ này trong nhà như một thú chơi cây. Mà nghe đâu đó, sau này có thể người ta sẽ xây dựng biệt thự dọc hai bên bờ sông. Hy vọng điều đó không xảy ra. Khi bờ sông bị ngăn ra từng khúc với những tường ngăn, hàng rào, những biệt thự mái lớn mái nhỏ khang trang, lộng lẫy thì còn đâu cái vẻ tươi mát, nhẹ nhàng này nữa.

Nhóm chúng tôi hướng tới Huyền Không Sơn Thượng vào buổi chiều. Huyền Không nằm ở ngoài thành phố, tại Hòn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà. Sau một hồi vừa đi vừa hỏi thăm, chúng tôi băng qua một đường lớn và rẽ vào một con đường nhỏ dẫn tới Huyền Không. Đường đi khá quanh co, uốn lượn. Rời xa phố thị, qua những cánh đồng, những rừng cây xanh mát, rồi Huyền Không cũng dần hiện ra.





Trước mắt chúng tôi là môt khung cảnh giản dị, đơn xơ, những lối đi nhỏ xen giữa những hàng cây xanh, không có những cổng tam quan lớn như vẫn thường gặp ở đình, chùa. Ngay gần lối vào là một khu vệ sinh khá sạch sẽ để du khách rửa tay, chân, vệ sinh cá nhân trước khi vào trong Huyền Không. Ngay đó là một bảng nội quy vào thăm chùa được khéo léo viết dưới dạng những câu thơ.










Không gian khá vắng lặng, chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió lay nhẹ. Chúng tôi tiếp tục bước vào trong Huyền Không. Càng đi sâu vào trong, không gian càng mở rộng với những bãi cỏ xanh, hoa lá, cây cối tươi mát phủ khắp lối đi. Một bầu không khí khoáng đạt, trong lành và mát mẻ. Xen giữa những cảnh vật là những bức thư pháp Việt trên những phiến đá. Những nét bút toát lên sự phóng khoáng, tự do, bay bổng nhưng ẩn chứa khí lực của đôi tay trầm tĩnh, ổn định. Tôi vốn đang có chuyện cá nhân không vui từ lúc còn ở chùa Thiên Mụ trước đó, nhưng không thể không ghi nhận vẻ đẹp hài hòa giữa thiên nhiên, đất trời và con người nơi đây. Tâm hồn tôi có chút lắng lại, yên tĩnh trước vẻ tươi mát, nhẹ nhàng của Huyền Không. Tôi chợt nghĩ, nơi ở này phải sánh với chốn của các bậc cao nhân, ẩn sĩ. (Mãi sau này tôi mới biết, nơi đây xưa kia là khu đất hoang hóa, nhờ nhà sư trụ trì về khai hoang).















Chúng tôi tiếp tục khám phá Huyền Không. Và ngôi chánh điện dần hiện ra trước mắt. Ngôi chánh điện không nguy nga vĩ đại, tráng lệ, cầu kỳ như chùa Trung Hoa; không u mật, huyền bí như chùa Tây Tạng, không màu sắc rực rỡ như chùa Thái Lan (như tôi biết qua phim ảnh) mà toát lên vẻ khiêm nhường, giản dị, trang nghiêm, thanh thoát, trầm hùng. Từng đường nét, chi tiết của chánh điện thể hiện mức độ cầu kỳ vừa phải, đủ để cảm nhận một vẻ đẹp giản dị và tinh tế. Tôi thấy thấp thoáng những đường nét của chùa Một Cột, một trong số ít kiến trúc đặc trưng còn lại của văn hóa Việt.











Bên trong chánh điện thờ tượng Phật Thích Ca, bức tượng cũng thật hài hòa, không lớn, không nhỏ, không ở trên quá cao, không quá thấp. Ngài ngồi ở vị trí đủ thấp để cảm thấy Ngài thật gần gũi với con người, vì Ngài cũng từng là một vị thái tử bằng xương bằng thịt ở xứ Ấn Độ. Nhưng Ngài cũng ở vị trí đủ cao để thấy rằng Ngài đã vượt thoát khỏi đời sống một con người tầm thường, dung tục. Ngài đã đứng trên đỉnh cao của con tim và khối ốc của con người với tình thương yêu vô hạn và trí tuệ giải thoát. Ngài trở thành một bậc Thánh cao cả giữa đời thường thuyết giảng con đường chân lý thoát khỏi khổ đau, chứ không phải là một vị thần linh ở trên cao, với quyền phép để ban phước giáng họa.







Bên ngoài chánh điện, hai bên là nhưng am thất nhỏ nằm lẫn vào những lùm cây, khóm trúc với nét kiến trúc tương tự. Bên phải là nơi cho tăng chúng dùng bữa. Bên trái là phòng làm việc của vị sư trụ trì, với không gian nhỏ dùng để tiếp khách. Do có chút nhân duyên nhỏ, chúng tôi được may mắn gặp và trò chuyện mấy phút với thầy trụ trì. Một vị tăng trẻ mang bộ ấm chén nhỏ và khá đẹp với dụng cụ pha trà ra lễ phép đặt trước mặt vị trụ trì để tiếp khách. Với phong thái nhàn tản và chẫm rãi, thầy trụ trì rót và mời chúng tôi cùng uống trà. Một lối thưởng thức trà rất tao nhã mà ngày nay không còn nhiều người coi là một thú chơi, nhất là ở chốn thành phố ồn ào, sôi động. Thầy trụ trì tự nhận rằng mình giờ đã già rồi, đã lạc hậu rồi nên không tham gia các hoạt động bên ngoài nhiều, chủ yếu ở đây tu hành, chăm chút đời sống tăng chúng, phật tử quanh đây và nhấn mạnh đến sự giáo dục mỹ học, về cái đẹp, về nhân văn là cái gốc của việc học làm người. Chúng tôi được thầy trụ trì tặng mỗi người một cuốn sách, và may mắn thay, trong đó có một số điều tôi đang muốn tìm hiểu.












Sau đó chúng tôi tiếp tục dạo quanh thăm thú những công trình của thầy trụ trì và các đệ tử đã xây đắp suốt bao nhiêu năm qua. Mỗi nơi đều thấm đẫm bao công sức, sự khéo léo sắp đặt hài hòa và tinh tế. Ở một phía chánh điện, tôi thấy một phật tử đang lặng lẽ cắm hoa để trang trí ban thờ Phật. Thấy tôi, cô mỉm cười thân thiện và nhờ tôi giữ bình hoa cho cô một chút. Tôi vui vẻ nhận lời. Sau đó, tôi chào cô và tiếp tục dạo quanh, chiêm ngưỡng những bức thư pháp (bức Thư pháp) với những câu thơ, câu kệ ẩn chứa nhiều đạo lý. Tôi tiếp tục dạo bước và thấy lác đác cũng có một số nhóm nhỏ du khách cũng đến thăm quan Huyền Không. Tôi chợt nghĩ về thầy trụ trì. Không, Ngài không già, không lạc hậu! Lối sống văn hóa cao đẹp, cùng với trí tuệ sáng suốt, tinh tường, tinh tế ẩn hiện khắp nơi đây vẫn đang vun đắp một không gian thiền, không gian tâm linh, không gian văn hóa cao đẹp có sức lan tỏa mãnh liệt vào tâm hồn từng lữ khách đến đây.






















Trời đã ngả về cuối chiều và nhóm chúng tôi quyết định trở về thành phố Huế. Tôi lắng nghe và cảm nhận một lần nữa nhịp sống nơi đây, không gian khá yên tĩnh giữa thiên nhiên của núi rừng Huyền Không, tiếng chim hót, nước chảy… Con người và thiên nhiên như tan hòa, đồng điệu trong nhịp sống đang trôi chảy.






Tình không
Trần gian
Trăm việc tạm quên
Thơ đề góc núi
Đầy hiên nắng vàng
Gió trăng
Thế sự không bàn
Giấc thiền lặng lẽ
Nhẹ nhàng tình không!
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)



Ảnh vị sư trụ trì


Vậy là đã một năm trôi qua, mấy lần dự định mà tôi vẫn chưa vào Huế được lần nữa. Cuộc đời là những chuyến đi và đó là một chuyến đi đáng nhớ. Không biết Huyền Không giờ thế nào, có gì thay đổi không? Cuộc sống vốn bất toàn, không có gì là mãi mãi, mọi thứ vẫn thay đổi, đổi thay. Có điều tôi tin, ngày nào bóng hình thầy trụ trì còn ở đây, thì cái đẹp nhân văn, mang đầy hương thơm minh triết vẫn tỏa ngát tại Huyền Không Sơn Thượng này.
 Tháng 3, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét